Blog

Áp xe răng là gì? Cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả

Áp xe răng là tình trạng biến chứng do nhiễm trùng khi bị các bệnh lý về răng như sâu răng, nứt răng hoặc vấn đề về nướu. Áp xe răng không được điều trị kịp thời có khả năng gây nhiễm trùng toàn hàm, khiến người bệnh đau đớn và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy áp xe răng là gì, cách phòng ngừa và điều trị áp xe răng thế nào mới hiệu quả. Vấn đề này sẽ được Nha Khoa Phúc An giải đáp trong bài viết dưới đây.

Áp xe răng là gì?

Áp xe răng là một túi mủ hình thành từ ổ viêm nhiễm rồi sưng lên do tích tụ vi khuẩn, xác bạch cầu và các tế bào chết. Áp xe có thể xảy ra ở xung quanh nướu răng hoặc ngay tại chân răng gây đau đớn dữ dội cho người bệnh. 
Nếu để vi khuẩn xâm lấn sâu, tạo ra các ổ áp xe mà không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như gây nhiễm trùng không chỉ ở răng mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ xương hàm, ổ áp xe trong miệng có thể lan đến vùng má gây áp xe ngoài mặt, trong trường hợp nặng có thể nhiễm trùng toàn thân.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với người lớn mà áp xe răng ở trẻ em cũng có thể hình thành và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý với sức khỏe răng miệng để phòng ngừa và có biện pháp xử lý kịp thời với bệnh lý nguy hiểm này.
 

Áp xe răng ở trẻ em 

Triệu chứng khi bị áp xe răng

Áp xe răng gây đau đớn và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Một vài triệu chứng điển hình khi bị áp xe răng gồm:

  • Đau răng dai dẳng, đau lan tỏa đến xương hàm, vùng má, cổ hoặc tai
  • Nướu đỏ và sưng tấy
  • Nhạy cảm với nhiệt độ
  • Chóng mặt, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi
  • Sưng hạch cổ
  • Xuất hiện mủ đặc có thể kèm theo cả máu
  • Chất dịch lỏng có mùi hôi chảy ra trong miệng có nghĩa là ổ áp xe đã vỡ.
     
Áp xe lan sang vùng má gây sưng ngoài mặt

Các yếu tố làm tăng khả năng bị áp xe răng

  • Thói quen chăm sóc răng miệng sai cách: Cần giữ thói quen đánh răng 2 lần/ngày, làm sạch răng bằng chỉ nha khoa hoặc súc miệng sau khi ăn. Chăm sóc và làm sạch răng không đúng cách sẽ làm tăng khả năng mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, sưng đau nướu răng, áp xe răng và các biến chứng khác.
  • Chế độ ăn quá nhiều đường: nước có gas, đồ ngọt và các thực phẩm chứa nhiều đường góp phần gây sâu răng, nhiễm trùng răng và chuyển thành áp xe.
     
Hạn chế đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường
  • Khô miệng: khi miệng không đủ ẩm có thể khiến vi khuẩn phát triển mạnh hơn
  • Các vấn đề về sức khỏe khác: bệnh tiểu đường hay các bệnh khác làm hệ miễn dịch suy yếu cũng tăng khả năng bị áp xe răng. Vì vậy, cần chú trọng hơn về sức khỏe răng miệng và nên đến nha khoa thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần.

Cách điều trị hiệu quả khi bị áp xe răng

  • Điều trị tủy răng: Bác sĩ sẽ cố gắng để bảo tồn răng cho bạn bằng cách lấy tủy răng. Răng được khử trùng, dùng khoan để khoan sâu vào bên trong làm sạch tủy răng, sau đó được trám lại để khôi phục cấu trúc và bảo vệ răng không bị nhiễm trùng trở lại. 
  • Nhổ răng bị ảnh hưởng: nếu không thể giữ lại chiếc răng bị tổn thương, bác sĩ sẽ buộc phải nhổ bỏ để bảo vệ phần răng khỏe mạnh còn lại. Khi răng bị nhổ, ổ áp xe sẽ được dẫn lưu mủ và vệ sinh hoàn toàn để tránh nhiễm trùng tái phát.
  • Sử dụng kháng sinh: kháng sinh sẽ giúp hỗ trợ hệ miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn từ đó làm chậm hoặc giảm tình trạng nhiễm trùng, tránh cho ổ áp xe phát triển thêm.
  • Các thuốc hỗ trợ điều trị, giảm triệu chứng như giảm đau, chống viêm,…cũng sẽ được dùng khi cần thiết.

Một số cách phòng ngừa áp xe răng

Để ngăn ngừa áp xe răng, việc quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe răng miệng, tránh khỏi sâu răng và các vấn đề gây sưng nướu răng, bạn đọc có thể tham khảo những cách sau đây:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng kem đánh răng có chứa Fluor
  • Thay bàn chải sau mỗi 3-4 tháng sử dụng
  • Uống nước có chứa hàm lượng Fluor trong mức cho phép
  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc tăm nước
  • Dùng nước súc miệng kháng khuẩn để loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế đồ ngọt, thực phẩm nhiều đường
  • Đến nha khoa định kỳ để kiểm tra răng miệng và loại bỏ mảng bám lâu ngày.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn áp xe răng là gì và bổ sung thêm kiến thức nắm bắt được các triệu chứng và yếu tố gây bệnh để có cách phòng ngừa và điều trị áp xe răng hiệu quả nhất.
Nếu bạn đang gặp bất cứ vấn đề về răng miệng cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 0966 009 689 để được đội ngũ các y bác sĩ chuyên môn của Nha Khoa Phúc An chăm sóc và điều trị kịp thời.